Vì đâu và về đâu Bianfishco?
Sau tất cả những trò bi hài về đám cưới phô trương, kiện tụng lùm xùm về nợ nần thì vụ tai tiếng của Bianfishco có thể là một bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam về cái gọi là “phát triển bền vững”.
Tháng 6 năm ngoái, Khu Công nghiệp Trà Nóc IIà (Cần Thơ) trở nên ồn ào và náo nhiệt với sự xuất hiện của nhiều dải băng rôn, cờ hoa rợp trời cùng nhiều vị khách mời đặc biệt, trong đó có các ca sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCm. Đó chính là sự kiện Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất nước uống Collagen Bình An.
Trước đó một năm, cũng tại khu công nghiệp này, một sự kiện không kém phần hoành tráng đã được Bianfishco đứng ra tổ chức: lễ khánh thành Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An.
Trong khi sự xôn xao xung quanh các sự kiện trên vẫn chưa lắng xuống, từ đầu năm, những chuyện nợ nần của Bianfishco và bà chủ Phạm Thị Diệu Hiền, người nắm giữ 50% cổ phần của công ty này, lại tiếp tục được hâm nóng. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu làm rõ vụ việc.
Theo thông tin do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ công bố ngày 17/3/2012, tổng số nợ của Bianfishco tính đến nay (nhưng chưa được báo cáo chính thức) là 1.200 tỉ đồng. Đây là số nợ của công ty này với 10 ngân hàng, một tổ chức tín dụng ngoài nước và nông dân bán cá tra. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán của Công ty Deloitte, tính đến ngày 31/12/2010, Bianfishco có nợ phải trả vào khoảng 1.393 tỉ đồng.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không phân tích sâu việc xử lý nợ của Bianfishco, mà chỉ muốn tìm hiểu vì sao một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.
Tình cảnh nợ nần của Bianfishco còn có sự góp phần của những phi vụ đầu tư vào bất động sản, đầu tư tài chính.
Đầu tư tràn lan
Nếu nhìn vào những hoạt động bên ngoài, Bianfishco quả là một trong những doanh nghiệp được đầu tư và phát triển bài bản. Năm 2005, Công ty đã đầu tư một nhà máy chế biến có quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long lúc đó. Nhà máy có công suất chế biến 500 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt về quản lý chất lượng.
Đầu năm 2009, công ty này còn đầu tư lắp đặt hệ thống diệt khuẩn Ipura của Mỹ (Bianfishco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lắp đặt hệ thống này).
Không chỉ phát triển về quy mô, báo cáo thường niên 2010 của Bianfishco cũng cho thấy, Công ty đang có những bước đi đầy toan tính trong chiến lược kinh doanh. Cụ thể, thay vì tập trung làm cá phi-lê thuần túy, Công ty sẽ chú trọng đến lĩnh vực gia tăng các giá trị của cá tra thông qua chế biến sâu bằng công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, nếu nhìn vào những doanh nghiệp chế biến cá tra đầu ngành khác tại Việt Nam như Hùng Vương, Agifish, Vĩnh Hoàn thì chế biến cá phi-lê vẫn là chủ đạo.
Giải thích cho chiến lược trên, báo cáo này viết: “Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy, tuy việc tập trung làm cá phi-lê có thể mang lại giá trị trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây khó khăn trong việc phát triển dài hạn vì giá trị thấp, chỉ sử dụng được 30% nguyên liệu…”
Để hiện thực hóa chiến lược này, Bianfishco đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị nhà xưởng. Chẳng hạn, Công ty đầu tư 200 tỉ đồng để xây dựng Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An tại Khu Công nghiệp Trà Nóc II với tổng diện tích xây dựng hơn 7.000 m2 (Viện chính thức được khánh thành vào tháng 7/2010). Tháng 3/2010, kho lạnh công suất 10.000 tấn cũng đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Cũng trong năm 2010, doanh nghiệp này đã đầu tư một nhà máy sản phẩm giá trị gia tăng có công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Mới đây nhất là Nhà máy sản xuất nước uống Collagen Bình An với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (hơn 200 tỉ đồng).
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty chế biến xuất khẩu cá tra ở Cà Mau (không muốn nêu tên), đầu tư tràn lan là nguyên nhân gây nên khủng hoảng nợ nần tại Bianfishco. “Chi phí lãi vay sẽ là một gánh nặng nếu doanh nghiệp sử dụng đồng vốn đầu tư không đúng hướng. Điều này khiến lợi nhuận trong đầu tư kinh doanh giảm. Có lẽ Bianfishco đang rơi vào tình trạng này”, vị này nhận xét.
Theo tính toán của vị doanh nhân trên, trong đầu tư kinh doanh chế biến thủy sản, với cách đầu tư như hiện nay của phần lớn doanh nghiệp (30% vốn tự có, 70% vốn vay), nếu kinh doanh khó khăn, chỉ trong vòng 5 năm, doanh nghiệp sẽ mất hết vốn do phải trả lãi cho ngân hàng. Như vậy, với khoản nợ hơn 1.300 tỉ đồng, giả sử mức lãi vay là 10%/năm thì chỉ sau chưa đầy 5 năm làm ăn không hiệu quả, số vốn chủ sở hữu 682 tỉ đồng (năm 2010) của Bianfishco chỉ mới đủ trả lãi. Theo báo cáo tài chính của công ty này, chi phí lãi vay năm 2010 đã lên đến 78 tỉ đồng.
Hiện nay, nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của Bianfishco với trang thiết bị nhập ngoại đang để không. Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An cho đến nay hầu như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào phục vụ cho sản xuất của Công ty và xã hội. Ngay cả Collagen, một sản phẩm, theo Bianfishco, là kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An thì cũng đã ra đời với sự hỗ trợ chính của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Đại học Nha Trang.
Bên cạnh đó, việc đưa nước uống Collagen vào nhóm sản phẩm có giá trị tăng thêm từ nguồn cá tra nguyên liệu (thành phần của Collagen được chiết xuất từ da cá tra), là một bước đi liều lĩnh, vì việc này khiến nợ của Bianfishco càng tăng thêm. Bởi lẽ, nguồn nguyên liệu để sản xuất Collagen vẫn chủ yếu là nhập khẩu. Nói cách khác, việc đầu tư vào Collagen không phải là đầu tư để tăng giá trị mà là trái ngành. Với một lĩnh vực kinh doanh mới, giai đoạn rủi ro thường kéo dài trong 3 năm đầu. Đó là chưa nói đến khả năng quản lý yếu kém do nhảy vào lĩnh vực không chuyên.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào Collagen không hề dễ dàng. Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cá tra, cá basa, đã mất hơn 6 năm nghiên cứu về Collagen, nhưng cũng chỉ mới chào bán một số nguyên liệu Collagen.
Không chỉ đầu tư tràn lan vào những hạng mục chưa cần thiết, tình cảnh nợ nần của Bianfishco còn có sự góp phần của những phi vụ đầu tư vào bất động sản, đầu tư tài chính. Theo ông Trần Văn Trí, tân Tổng Giám đốc Bianfishco, công ty này có rót vốn vào 2 dự án địa ốc ở TP.HCM là Bình An Palace (83 Nguyễn Văn Trỗi) và chung cư cũ 73 Cao Thắng ở quận 3.
Xét về đầu tư tài chính, không có con số cụ thể về số tiền dùng để đầu tư, nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất của Bianfishco, năm 2010 doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty là 49,4 tỉ đồng. Con số này của năm 2009 chỉ khoảng 14,3 tỉ đồng.
Và cái chết mang tên “nguyên liệu”
Trong đầu tư kinh doanh thủy sản, để phát triển bền vững, việc phát triển vùng nguyên liệu là chiến lược cơ bản nhất. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một doanh nghiệp sản xuất lớn mà không có quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu sẽ bị lệ thuộc vào nguyên liệu bên ngoài. Và doanh nghiệp đó cũng sẽ không chủ động được đầu ra.
“Một khi bị lệ thuộc vào nguyên liệu bên ngoài thì dù là thiếu hay thừa nguyên liệu, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Hậu quả dễ thấy nhất là không chủ động được giá thành, chi phí bị đội lên cao, sức cạnh tranh giảm mạnh”, ông nói.
Trong khi đó, Bianfishco lại chưa chú trọng đến việc này. Theo báo cáo kinh doanh của Bianfishco cũng như những phát biểu của lãnh đạo doanh nghiệp này trước đó, Công ty có khoảng 100 ha ao nuôi, hằng năm thu hoạch 18.000 tấn cá tra nguyên liệu và đáp ứng 30% nguyên liệu cho nhà máy. Ở một số doanh nghiệp trong ngành, tỉ lệ này cao hơn nhiều. Chẳng hạn, Công ty Thủy sản Hùng Vương có thể chủ động được 70% nguyên liệu, Vĩnh Hoàn khoảng 70%, Agifish 40%...
Tuy nhiên, con số thực về ao nuôi của Bianfishco chỉ vào khoảng 70 ha. Thậm chí, nếu công ty này có thể có 18.000 tấn cá nguyên liệu thì với năng suất hoạt động 500 tấn/ngày, nguồn nguyên liệu trên chỉ mới đủ cho nhà máy hoạt động trong khoảng 40 ngày. Như vậy năng suất hoạt động của nhà máy Bianfishco là bao nhiêu? Một sự lãng phí rất lớn trong đầu tư nhà máy chế biến của doanh nghiệp này.
Ông Minh tính toán, nếu doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy công suất 300 tấn cá/ngày, mà thực tế chỉ sản xuất được 50 tấn/ngày do thiếu nguyên liệu thì chi phí sản xuất phải cao gấp 3 lần. Để sản xuất có hiệu quả, công suất hoạt động của nhà máy tối thiểu phải đạt trên 70%. Muốn vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải bỏ vốn nuôi cá, chủ động được ít nhất trên 50% nguyên liệu.
“Một doanh nghiệp sản xuất lớn mà cứ trông chờ vào nguồn nguyên liệu do nông dân cung cấp thì rủi ro là rất lớn”, ông Minh nói. Trong khi đó, lãi suất cao (cùng với việc đầu ra gặp khó) không chỉ khiến doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh mà cả người nông dân cũng không thể nuôi cá. Nông dân không nuôi cá thì không sao, nhưng doanh nghiệp đã vay tiền ngân hàng (để đầu tư nhà máy chế biến) mà không có cá để sản xuất thì nguy to.
Theo ước tính của ông Minh, hiện nay vẫn còn khoảng 30% nhà máy không đầu tư vùng nguyên liệu và đang phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá nuôi bên ngoài. Và hầu hết họ đều đang gặp khó khăn. Mới đây, VASEP còn đưa ra dự báo, khoảng 20% doanh nghiệp chế biến sẽ khó đứng vững trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Hùng
NCĐT
|