Công viên Bách Thảo
Công viên Bách Thảo nằm phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Phủ Chủ tịch, diện tích khoảng 20 ha nguyên là đất của
phường Khán Xuân xưa. Có hai lối vào, một lối ở đầu phố
Hoàng Hoa Thám, một lối ở giữa phố Ngọc Hà.
Năm 1890, thực dân Pháp lập khu vườn trồng cây, nuôi muông
thú và đặt tên là vườn thảo mộc nhưng quen gọi là Trại Hàng
hoa hay vườn Bách thú.
Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) chim muông chết dần
vì không được chăm sóc. Số thú còn lại được chuyển vào Sở
thú Sài Gòn.
Sau ngày giải phóng thủ đô, chính quyền ta sửa sang tu bổ
và đổi tên là công viên Bách Thảo. Ở góc phía tây bắc công
viên, có một gò cao, ngày trước trồng nhiều cây sa nên có
tên gọi là núi Sa. Đỉnh núi có một ngôi miếu cổ, thờ Huyền
Thiên Hắc Đế, một cậu bé tương truyền có công giúp Vua Lý
đánh giặc ngoại xâm.
Công viên Bách Thảo có nhiều rặng cây cổ thụ cành lá sum
suê, tán rộng, bóng dài, nhiều bồn hoa đẹp mắt, những lối
đi uốn lượn quanh co, hoa sen, hoa súng khoe mình trên mặt
hồ.
<Đầu
trang>
Công viên Thống Nhất
Công
viên Thống nhất nằm giữa bốn phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn,
Đại Cồ Việt, Nguyễn Đình Chiểu, rộng khoảng 50 ha. Ngày 11/1/1960,
Hồ Chí Minh đã tới trồng cây đa lưu niệm. Ngày ấy, đất nước
còn bị chia cắt nên công viên đặt tên là Thống Nhất để gợi
nhớ tình cảm bắc nam.
Công viên có hai cửa lớn, mở ra phố Trần Nhân Tông và đường
Lê Duẩn. Công viên có nhiều bồn hoa bốn mùa phô sắc, những
dãy thùy liễu mượt mà, những rặng thông suốt năm xanh thẳm
và những loài cây trái ngọt hoa thơm.
Công viên Thống nhất là nơi vui chơi, khá hấp dẫn của các
tầng lớp nhân dân Hà Nội và du khách. Khu thiếu nhi có đu
quay chạy điện, máy bay bay trên khung sắt và nhà gương dị
dạng. Khắp các lối đi đều có hững dãy ghế đá nép mình bên
vòm hoa, có một dải hồ để bơi thuyền, có "khu phong lan"
với hàng trăm chủng loại, nhiều loài cây cảnh, cây thế và
những bể lớn, bể nhỏ thả cá bạc, cá vàng….
Đối với người cao tuổi có khu "đảo Hoà Bình" ở giữa
hồ yên tĩnh. Mấy năm gần đây công viên dành riêng một khu
tổ chức hội hoa xuân, tụ hội mọi tài hoa bậc nhất của ngành
cây xanh cả nước.
<Đầu
trang>
Công viên Chí Linh
(In-đi-ra Gan-đi)
Nằm
giữa bốn phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch và Ngô Quyền,
công viên nguyên là phần đất của một ngôi chùa cổ - chùa Phổ
Giác, tức chùa Tàu - của làng Hậu Lâu.
Năm 1883, Pháp chuyển chùa tới viện Thái y, nay là phố Ngô
Sĩ Liên để lấy chỗ xây dựng tòa đốc lý, kho bạc, bưu điện
và một vườn hoa. Năm 1886, nhân tổng công sứ Pôn Be chết,
Pháp lấy tên ông ta đặt cho vườn hoa này, năm sau dựng tượng
Pôn Be tại đây, có thêm tòa nhà bát giác làm chỗ cho nhạc
binh biểu diễn.
Năm 1945, sau đảo chính Nhật, thị trưởng Trần Văn Lai cho
hạ tượng. Cách mạng tháng tám thành công, vườn hoa đổi tên
là Chí Linh, địa danh vùng núi phía tây Thanh Hóa, căn cứ
của nghĩa quân Lê Lợi (đầu thế kỷ XV).
Năm 1984, thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, công viên
mang tên Thủ tướng Ấn Độ - In-đi-ra Gan-đi.
<Đầu
trang>
Công viên Lê Nin
Nằm
gọn giữa ba đường Trần Phú, Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ, công
viên xinh xắn này mang tên trận thắng giặc Minh xâm lược ngày
10/10/1427 tại ải Chi Lăng (Lạng Sơn) đập tan đạo quân chi
viện do Liễu Thăng chỉ huy, dẫn đến giải phóng Đông Đô.
Công viên Lê Nin nguyên là một cái hồ trong thành (đường Trần
Phú là tường thành phía nam) dùng cho quân lính tắm nên gọi
là hồ Voi.
Từ 1894 - 1897, sau khi phá thành Hà Nội Pháp quy hoạch lại
thành phố, lấp hồ Voi, lập công viên. Vì ở góc công viên phía
đường Hoàng Diệu có một cụm tượng bốn mặt bệ là bốn tầng lớp
dân bản xứ: sĩ, nông, công, thương, mặt trước là tượng người
nông dân vác cày, dắt trâu nên cũng quen gọi là vườn hoa Canh
Nông.
Năm 1985, tại đây đã đặt bức tượng đồng LêNin cao 5,2 m, trên
bệ đá hoa cương cao 2,7 m.
<Đầu
trang>
Công viên Thủ Lệ
Công
viên Thủ Lệ chính thức được khởi công ngày 19-5-1975, và hai
năm sau mở cửa đón khách. Công viên nằm phía tây nội thành
Hà nội trên địa phận làng Thủ Lệ, một làng cổ có từ thời Lý
(thế kỷ XI), sự tích làng gắn với sự tích thần Linh Lang thờ
trong đền Voi Phục.
Công viên dựa vào địa hình khá đẹp: khoảng 29 ha, hồ nước
mênh mông có gờ đất chạy dài bao bọc như bầy rồng, rắn đuổi
nhau; núi Bò, đền Voi Phục dưới bóng si rậm rạp.
Công viên Thủ Lệ là vườn thú lớn có hơn 100 loài và hơn 600
cá thể, được chia thành nhiều khu: Khu bò sát nuôi trăn, rắn,
kỳ đà... Khu chim nuôi công, trĩ, hạc, cò, sếu và các loài
chim hót hay như hoạ mi, yến, khướu. Khu thú gồm hổ, báo,
gấu, sư tử... hươu, nai, khỉ, vượn, chồn, cầy, voi. Công viên
cũng có cây và rừng hoa, khu giải trí, quán trà, hiệu sách.
<Đầu
trang>
Công viên nước Hồ Tây
Công
viên Hồ Tây - một tổ hợp, giải trí hiện đại và hấp dẫn, ở
phía tây bắc Hồ Tây - 116 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ.
Nằm bên Hồ Tây lộng gió và thơ mộng, hai mặt tiếp giáp với
hồ, công viên kết hợp khá hoàn hảo và tinh tế giữa thiên nhiên
với những thành tựu trí tuệ của con người. Trên diện tích
hơn 10 ha, Công viên Hồ Tây bao gồm công viên nước đạt tiêu
chuẩn quốc tế, công viên Vầng Trăng với những trò chơi hấp
dẫn và thú vị, câu lạc bộ thể thao văn hoá. Tổ hợp có trang
thiết bị hiện đại, sang trọng. Khu dịch vụ đa năng tiện lợi,
phong phú. Khu biểu diễn xiếc cá heo mới lạ. Công viên Hồ
Tây còn là một địa chỉ văn hoá, tái hiện những truyền thuyết
dân gian của Hà Nội và của Việt Nam.
CÔNG VIÊN NƯỚC THĂNG
LONG
614 Lạc Long Quân - Tây Hồ
7532175
<Đầu
trang>
|