Login  |  Register Sunday, December 22, 2024  
HÌNH ẢNH
KIẾN THỨC CẦN BIẾT

Phòng khám 1:
147 Nguyễn Văn Cừ P2, Q5
 +  Ngày thường:
     Sáng 7h-11h,
     Chiều 2 - 6h

 +  Chủ Nhật & Ngày Lễ:
     Nghỉ


Phòng Khám 2:
321 Nguyễn Thị Nhỏ, P16, Q11
+  Ngày thường:
    Sáng 8 - 11h
    Chiều 2h - 7h

+  Chủ Nhật & Ngày Lễ:
   
Sáng 8 - 11h
    Chiều 2h - 5h
 Text/HTML
Minimize

CẤP CỨU TRONG THÚ Y KHOA: KIỂM SOÁT SỰ CHẢY MÁU

                                                               

                                                                                                                Th.S. TRỊNH THỊ CẨM VÂN

                                                                                                                CHOLON VET CLINIC

 

Trong thú y khoa, chảy máu hay xuất huyết được xem là tình trạng máu bao gồm đủ 2 thành phần: huyết tương và thành phần hữu hình thoát ra khỏi hệ thống tuần hoàn với nguyên nhân hoặc do chấn thương hoặc do bệnh lý.

Hiện tượng xuất huyết hay chảy máu có thể hoặc là xuất huyết ngoài (chảy máu ngoài) hoặc xuất huyết nội (chảy máu nội tạng) hoặc cả hai.

Sự xuất huyết ngoài (chảy máu ngoài)

Trên chó, xuất huyết ngoài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây chảy máu từ nhẹ đến trầm trọng ở mắt, miệng, da, tai, móng, đuôi, hậu môn…có thể đến từ sự bất cẩn trong chăm sóc như cắt móng, vệ sinh tai, mắt, cắt đuôi, cắt tỉa lông…hay từ các chấn thương bên ngoài như vết cắt kim loại, vết cắn xé…

Sự chảy máu ngoài có thể nhìn thấy và phán đoán được bằng mắt thường và tiên lượng tốt nếu xử lý kịp thời không để vết thương bị nhiễm trùng.

Thời gian vàng cho việc xử lý chảy máu ngoài là trong vòng 15 -20 phút. Chảy máu sẽ gây mất máu trong cơ thể thú. Chỉ cần mất lượng máu khoảng 2 muỗng café/pound (khoảng 450g) trọng lượng cơ thể sẽ dẫn đến phản ứng shock của cơ thể do mất máu. Vì thể chủ nuôi cần phải bình tĩnh, lưu ý và biết cách kiểm soát làm giảm hoặc ngừng chảy máu nhằm đủ thời gian mang vật nuôi đến bác sĩ thú y. Sự phán đoán của chủ nuôi có tầm quan trọng đánh giá được mức độ chảy máu và trầm trọng của vết thương  

Màu sắc của máu chảy sẽ giúp chủ nuôi đánh giá được máu chảy từ động mạch hay tĩnh mạch. Máu tĩnh mạch có màu đỏ sậm rỉ ra trực tiếp từ vết thương. Máu động mạch có màu đỏ sáng do chứa Oxygen.

Cách kiểm soát hoặc làm ngưng chảy máu ngoài như sau:

1/ Tạo áp lực trực tiếp lên vết thương: Sau khi cố định và khớp mõm thú, chủ nuôi đặt gạc hoặc bông sạch ép đủ chặt lên vết thương chảy máu cho đến khi máu ngưng chảy. Sau 5 phút ép gạc, đa số các vết thương sẽ từ từ ngừng chảy máu. Sự ép gạc càng hiệu quả hơn khi phối hợp ép với bột cầm máu. Sau khi máu ngừng chảy chủ nuôi cần làm sạch và băng ép cố định vết thương.

Nếu vết thương chảy máu ở chân hoặc bàn chân có thể kết hợp nâng chân cao lên và ép gạc. Cần lưu ý không cố gắng lấy cục máu đông ra khỏi vùng vết thương chảy máu.

 

Nếu vết thương chảy máu ở tai chủ nuôi cần lưu ý đây là trường hợp chảy máu trầm trọng vì vùng da ở tai rất mỏng và nhiều mạch máu tập trung, sau khi sơ cứu cần có sự can thiệp của bác sĩ thú y.

Nếu có vật lạ trong vết thương, chủ nuôi không cố gắng lấy ra vì có thể gây chảy máu trầm trọng hơn. Bác sĩ thú y sẽ là người quyết định cách lấy vật lạ ra.

Nếu nghi ngờ máu chảy từ động mạch, có thể dùng ngón tay trỏ hoặc ngón cái đặt ép lên vết thương.

Việc ga rô trên vùng gần vết thương để cầm máu chảy là việc làm cần phải rất thận trọng, có kiểm soát vì nếu kéo dài hoặc quá chặt sẽ gây tắt mạch máu và hoại tử mô; nặng sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu. Nếu cần thiết cho việc ga rô mạch, có thể dùng vải hoặc dây dù, và phải tuân thủ việc nới lỏng 15-20 giây sau mỗi 20 phút ga rô.

2/ Tạo áp lực lên tĩnh mạch chính tưới máu đến vết thương:

Nếu máu chảy ở chân sau: dùng ngón tay chặn ép lên điểm tĩnh mạch đùi ngoài, vị trí ở giữa vùng bẹn trong của đùi trái và phải tương ứng.

Nếu máu chảy ở chân trước: dùng ngón tay chặn ép lên điểm tĩnh mạch cánh tay, vị trí ở giữa nách trong của tay trái và phải tương ứng.

 

Nếu máu chảy ở vùng đuôi: dùng ngón tay chặn ép lên điểm tĩnh mạch đuôi nằm, vị trí mặt trong sát gốc đuôi.

Sự xuất huyết nội (chảy máu nội tạng)

Sự xuất huyết ngoài càng dễ nhìn thấy và phán đoán bao nhiêu thì xuất huyết nội càng khó hình dung và kiểm soát bấy nhiêu. Xuất huyết nội có thể đến từ những chấn thương, đa chấn thương do tai nạn hoặc các bệnh lý đặc biệt khác.

Trong những trường hợp nghi ngờ vật nuôi của mình bị xuất huyết nội, chủ nuôi cần phải bình tỉnh, phán đoán và thiết lập những chứng cứ có liên quan. Chủ nuôi không thể can thiệp các trường hợp xuất huyết nội trên vật nuôi của mình mà cần mang chúng đến bác sĩ thú y như một trường hợp khẩn cấp.

Một số các dấu hiệu nghi ngờ xuất huyết nội ở giai đoạn sớm như sau:

Ø  Nhịp tim đập nhanh

Ø  Trạng thái hoảng loạn

Ø  Nướu răng có màu đỏ sáng

Ø  Thở thể miệng

Ø  Dễ nắm bắt được mạch đập

Ở giai đoạn tiến triển xuất hiện các dấu hiệu trầm trọng hơn:

Ø  Nhịp tim tăng mạnh và nhanh hơn

Ø  Nướu răng nhợt nhạt hoặc tái xanh

Ø  Trạng thái lơ mơ, lịm dần

Ø  Thở nông

Ø  Khó nắm bắt được mạch đập

Ở giai đoạn nguy kịch xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng:

Ø  Nhịp tim đập nhanh

Ø  Nướu răng có màu trắng bệt

Ø  Mạch đập rất yếu

Ø  Ánh mắt đờ đẫn không tập trung

Ø  Hôn mê – Truỵ tim mạch và chết

Căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài nêu trên, chủ nuôi có thể phán đoán vá xử trí tình trạng khẩn cấp của vật nuôi, cố định thú nằm ngữa, nhẹ nhàng, đầu cao, giữ ấm, cung cấp Oxygen nếu có thể. Các thao tác cần phải nhanh, nhạy bén, nhẹ nhàng và quyết đoán nhằm tránh để thú rơi vào trạng thái shock do mất máu, sau đó vận chuyển thú đến bác sĩ thú y gần nhất.

Sự xuất huyết nội (chảy máu nội tạng) có liên quan đến một số bệnh lý khác :

1/ Bệnh lý rối loạn đông máu do di truyền:

·         Thiếu protein hình thành cục máu đông hoặc vitamin K; thường gây chảy máu không đông (Congenital Clotting Protein Disorder)

·         Thiếu yếu tố hình thành các sợi huyết (Hypofibrinogenemia); thường thấy trên các giống Saint Bernards và Vizslas.

·         Sự bất thường chức năng sợi huyết (Dysfibrinogenemia); thường thấy trên các giống Russian Wolfhound (Borzois); gây chảy máu mũi

·         Thiếu yếu tố đông máu II (Prothrombin): đặc điểm là thời gian chảy máu kéo dài, thường thấy trên giống Boxer, English Cocker Spaniel; gây chảy máu mũi , nướu răng nhợt nhạt trên chó con.

·         Thiếu yếu tố đông máu VII (vitamine K): thường thấy trên giống Beagles, English Bulldogs, Alaskan Malamutes, Miniature Schnauzers, Boxer, chó lai tạp; gây chảy máu, các vết thâm tím sau phẫu thuật, sau khi sinh.

·         Thiếu yếu tố đông máu VIII (Hemophilia A): là bệnh di truyền rất phổ biến trên chó.  

Cần lưu ý là chó cái khi mang gen bệnh không có bất kỳ dấu hiệu bệnh, nhưng chó đực mang gen bệnh lại thể hiện dấu hiệu bệnh. Trên chó sơ sinh bệnh, thấy hiện tượng chảy máu kéo dài ở cuống rốn, nướu răng, hoặc sau khi phẫu thuật. Việc chẩn đoán bệnh này rất khó khăn.

·         Thiếu yếu tố đông máu IX (Hemophilia B); ít phổ biển, thường thấy trên những giống thuần chủng hoặc giống lai tạp; chó cái khi mang gen bệnh không có bất kỳ dấu hiệu bệnh; Chó sơ sinh có bệnh thường chết ngay sau khi sinh do xuất huyết nội tạng và tràn máu trong xoang bụng, xoang ngực, não.

·         Thiếu yếu tố đông máu X: đặc điểm là thời gian chảy máu kéo dài ; thường thấy trên giống Cocker Spaniel ; gây xuất huyết trên chó sơ sinh và chó con, tiểu máu, xuất huyết nướu răng trên chó trưởng thành.

·         Thiếu yếu tố đông máu XI: dấu hiệu lâm sàng không điển hình.

·         Thiếu yếu tố đông máu XII: thường phổ biến trên mèo, dấu hiệu lâm sàng không điển hình.

·         Thiếu yếu tố von Willebrand – Bệnh von Willebrand (VWD) thường thấy trên nhiều giống chó, phổ biến tren Doberman pinscher, Miniature Schnauzers, Golden Retriever, Poodle,….

·         Bất thường chức năng tiểu cầu: thường thấy trên giống Basset Hound

2 / Bệnh lý rối loạn đông máu do mắc phải:

·         Bệnh lý ở gan

·         Ngộ độc thuốc diệt chuột

·         Thiếu sự sản sinh Thrombin gây xuất huyết đốm, mảng trên các màng niêm, da.

·         Đông máu nội mạch lan toả (Disseminated Intravascular Coagulation – DIC): là hiện tượng đông máu trong lòng mạch do sự sản sinh và lắng đọng sợi huyết hình thành huyết khối vi mạch ở nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến tình trạng nghẽn tắt mạch và phá hủy tiểu cầu gây xuất huyết nội. Tình trạng bệnh thường trầm trọng, nguy cơ tử vong rất cao.

3/ Rối loạn mạch máu (Blood Vessel Disorders):

·         Hội chứng Ehlers-Danlos: do thiếu cấu trúc protein kết nối các mô dưới da làm yếu cấu trúc nâng đỡ hệ thống mạch máu dẫn đến vỡ các mạch máu gây hiện tượng bầm trên da.

·         Rocky Mountain Spotted Fever: bệnh do loài nguyên sinh động vật Rickettsia, lan truyền qua ve, gây xuất huyết mũi, tiểu máu, xuất huyết ruột, võng mạc, đông máu nội mạch lan toả - DIC

 

·         Canine Herpesvirus: virus phá huỷ hệ thống mạch máu gây xuất huyết các mô xung quanh mạch máu. Tỉ lệ tử vong rất cao.

·         Bệnh lý ở thận, cường tuyến thượng thận, suy giảm hormon thyroid, các bệnh thiếu máu tan huyết miễn dịch trung gian… gây ra các rối loạn đông máu.

4/ Các bệnh khác:

·         Các bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn

·         Xuất huyết đường tiết niệu, đường ruột, rong kinh,

·         Khối u

·         Ung thư ruột, tiết niệu, tử cung

Chủ nuôi cần lưu ý màu sắc, mùi của các chất thải phân, nước tiểu, dịch ói, dịch âm đạo để có thể đánh giá, định hướng ban đầu, nhằm hỗ trợ bác sĩ thú y trong chẩn đoán và điều trị

·         Dịch khạc nhổ có bọt + màu đỏ hoặc máu à nghi ngờ xuất huyết phổi

·         Dịch ói mữa có màu đen, thối như phân có lẫn máu à nghi ngờ tắt, dính ruột

·         Dịch ói mữa có màu đỏ tươi của máu à nghi ngờ xuất huyết dạ dày hoặc xoắn dạ dày

·         Dịch ói mữa có màu xanh, vàng mật à nghi ngờ bệnh lý gan mật, tắt mật, tuỵ

·         Dịch ói mữa có màu đen à nghi ngờ xuất huyết tá tràng

·         Phân lỏng đen à nghi ngờ xuất huyết dạ dày hoặc xoắn dạ dày

·         Phân vàng nghệ à nghi ngờ bệnh lý gan mật, tắt mật, tuỵ

·         Phân đỏ , nhầy à nghi ngờ viêm đại tràng, khối u ruột

·         Phân lỏng đỏ à nghi ngờ xuất huyết hồi tràng

·         Dịch âm đạo đỏ, chảy máu tươi à nghi ngờ rong kinh, khối u âm đạo, tử cung

Các bệnh lý nêu trên đều đưa đến một hậu quả chung là xuất huyết nội có thể thấy máu chảy ra, có thể không. Sự chảy máu bên trong nội tạng đôi khi biểu hiện ra bên ngoài qua các dấu hiệu như vết bầm trên da, chảy máu mũi, âm đạo, ruột…; nhưng cũng có khi không biểu lộ bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào bên ngoài; nó âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm gây tử vong rất cao nếu không được xử lý kịp thời

Chủ nuôi cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về con giống và các bệnh có liên quan đến xuất huyết (chảy máu) cũng như hướng xử lý can thiệp tối thiểu khi có chảy máu xảy ra. Sự khôn ngoan, hiểu biết, không khinh suất, bình tĩnh, nhanh nhẹn và tức thời của chủ nuôi là nhân tố chính quyết định sự sống còn của vật nuôi.