MỘNG THỊT
Mộng thịt là gì?
Phần trắng của nhãn cầu (tròng trắng) được lớp màng mỏng che phủ gọi là kết mạc. Mộng thịt là sự phát triển mô xơ mạch lành tính của kết mạc, có dạng hình cánh, tiến triển từ hai góc mắt về phía giác mạc (tròng đen).
Nguyên nhân nào dẫn đến mộng thịt?
Tia cực tím là nguyên nhân chủ yều gây mộng thịt. Vì thế, mộng thịt thường gặp ở vùng nhiệt đới, vùng biển, ở những người tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
Triệu chứng mộng thịt như thế nào?
Mộng thịt thường không gây khó chịu. Một số trường hợp đôi khi có những đợt viêm đỏ, gây xốn cộm. Nếu mộng thịt phát triển nhiều có thể gây nhìn mờ do mộng xâm lấn sâu vào giác mạc hoặc co kéo gây loạn thị.
Phương pháp điều trị mộng thịt?
Khi mộng thịt bị viêm đỏ, bác sĩ có thể cho toa thuốc nước mắt nhân tạo và kháng viêm nhẹ để làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, khi dùng kháng viêm phai3 có sự theo dõi của bác sĩ nhãn khoa để tránh nhũng tác dụng phụ có hại.
Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt mộng thịt nếu mộng xâm lấn giác mạc nhiều làm giảm thị lực, hoặc co kéo gây loạn thị giác mạc, hoặc thường xuyên gây cộm khó chịu. Tuy nhiên, mộng thịt dễ tái phát sau mổ, nhất là ở người trẻ tuổi, người thường xuyên tiếp xúc ánh nắng, gió, bụi, và mộng thịt dầy với nhiều mạch máu. Vì vậy, để tránh nguy cơ tái phát, bác sĩ sẽ đánh giá và chỉ định phẫu thuật cho đối tượng vào thời điểm thích hợp.
Phẫu thuật mộng thịt như thế nào?
Mộng thịt được bóc tách kỹ. Để tránh tái phát, bác sĩ có thể lấy mảnh kết mạc phía trên giác mạc ghép vào vùng mộng thịt đã cắt (mổ mộng thịt ghép kết mạc tự thân), hoặc áp thuốc chống tái phát vào vùng đã cắt mộng (mổ mộng thịt áp mitomycin C). Sau mổ, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đeo kính chống tia cực tím khi ra nắng, tránh gió bụi để tránh nguy cơ tái phát.
Lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân mộng thịt:
Mộng thịt là bệnh lý lành tính nên có thể không cần phẫu thuật nếu không ảnh hưởng đến thị lực. Bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật cho từng trường hợp.
Mộng thịt dễ tái phát, đặc biệt ở người trẻ. Mộng thịt tái phát phải theo dõi ổn định 1-2 năm mới mổ lại