ENGLISH | 简体中文 Trang Vàng Danh bạ website Thông Tin Thị Trường - Giải Trí
  Di sản thế giới tại Việt Nam  |  Điểm tham quan - di tích lịch sử  |  Bảo tàng  |   Điểm vui chơi sinh hoạt dã ngoại
Xem bảng giá các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí

Cho đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản thiên nhiên, văn hóa được UNESCO công nhận. Đây là những di sản vô giá được thế giới đưa vào danh sách cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

DI SẢN THIÊN NHIÊN

VỊNH HẠ LONG

Là bức tranh sơn thủy hùng vĩ tuyệt đẹp nằm trong Vịnh Bắc bộ, gồm 1969 đảo lớn nhỏ trải dài trên 120km bờ biển với tổng diện tích 1553km2. Trong đó, vùng được thế giới công nhận có diện tích là 434km2, bao gồm 775 đảo.

Các đảo có nhiều hình dáng vô cùng độc đáo, sinh động và biến hoá theo từng góc nhìn của du khách: hòn Ông Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Cặp Gà, hòn Lư Hương... Trong lòng các đảo ẩn chứa hàng trăm hang động kỳ thú,tuyệt đẹp như: động Thiên Cung, động Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ... Nơi đây là một trong những cái nôi của con người có nền văn hoá Hạ Long từ hậu kỳ đồ đá mới và cũng là nơi quần tụ nhiều hệ sinh thái rừng và biển đa dạng với hàng ngàn loài động, thực vật vô cùng phong phú, có những loại đặc biệt quý hiếm.

Vịnh Hạ Long đã được Hội đồng Di sản thế giới UNESCO ghi tên vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 17/12/1994 tại Thái Lan.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

ĐỘNG PHONG NHA – KẺ BÀNG

Tại kỳ họp lần thứ 27 Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Paris (từ ngày 30/6 – 5/7/2003), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nằm ở vùng rừng nguyên sinh và núi đá vôi Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình, Động Phong Nha là một hệ thống hang động lộng lẫy, lung linh, huyền ảo sắc màu nhũ đá soi bóng trên con sông ngầm dài nhất Việt Nam. Động Phong Nha có rất nhiều nhánh, dài lên đến khoảng 20km, cửa động rộng khoảng 20m, cao 10m. Động chính gồm 14 buồng nối liền bởi một hành lang nước dài 1500m, đi sâu hơn vào trong động còn có những nơi mà quá trình phong hoá đá vôi đang tiếp tục.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Đầu trang

DI SẢN VĂN HÓA - LỊCH SỬ

CỐ ĐÔ HUẾ

Quần thể kiến trúc cổ của cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1993. Đây là một tập hợp thành quách (Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành) và hàng trăm cung điện, lăng tẩm , quan thự, nhà vườn, đền miếu, chùa chiền... trải rộng hơn 20.000ha đất trên bờ Bắc Sông Hương, ghi lại dấu tích của một cố đô Nhà nước Phong kiến Việt Nam trong suốt hơn 400 năm trước khi đất nước chuyển sang thời kỳ Pháp thuộc. Công trình quí giá này gồm hơn 100 tác phẩm kiến trúc, nổi tiếng nhất là bốn ngôi lăng mang phong thái riêng của bốn vị vua - chủ nhân của nó: lăng Gia Long uy nghi, lăng Minh Mạng oai phong, lăng Tự Đức thơ mộng và lăng Khải Định tráng lệ.

 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHỐ CỔ HỘI AN

Là một thương cảng sầm uất bên bờ sông Thu Bồn từ thế kỷ 16, 17 giao thương với nhiều nước trên thế giới: Nhật Bản ,Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Ý... Phố cổ Hội An đã từng là trung tâm buôn bán thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á và là một trạm chính của các thương thuyền vùng Viễn Đông. Do đó, Hội An có những nét giao thoa văn hoá đặc sắc, vừa có sắc thái dân tộc truyền thống trong những nếp nhà gỗ cổ xưa vừa có nét văn hoá du nhập như đèn lồng… từ Trung Quốc, Phù Tang…... Khó có thể tìm thấy ở nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này một không gian lắng đọng, hoài cổ như nơi đây.

Phố cổ Hội An còn nổi tiếng với hàng ngàn cửa hàng bày bán đồ lưu niệm và các món ăn đặc sản mang phong vị xứ Quảng: bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu. Từ những giá trị riêng biệt đó, Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1999.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------<Về đầu trang>

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN

Ẩn mình trong vùng thung lũng kín đáo thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể hội tụ hơn 70 đền tháp được xây dựng theo trường phái Ấn độ giáo bằng gạch nung và đá sa thạch suốt hơn 1000 năm để thờ phụng những vị thần bảo hộ cho các vị vua Vương quốc Chămpa. Mỗi đền tháp thờ những vị thần, vị vua khác nhau, mang dấu ấn kiến trúc và thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng tựu trung đều thiết kế trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc, thân tháp biểu tượng cho thế giới thần linh kỳ bí và phần đỉnh tháp với nhiều hình tượng người đang thực hiện nghi lễ tôn giáo, cây lá, chim muông. Đền thờ chính thờ Linga – Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Mặc dù qua thời gian và chiến tranh nhưng khu phế tích Mỹ Sơn vẫn thu hút du khách bởi những kiệt tác điêu khắc, kiến trúc của một thời đại huy hoàng trong lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm. Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ

NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ

Được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào tháng 11/2003. Nhã nhạc cung đình Huế là loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam được diễn xướng chốn cung đình để phục vụ trong các nghi lễ, hội họp, nhưng hiện nay chỉ còn tồn tại đại nhạc và tiểu nhạc. Nhã nhạc cung đình Huế có sắc thái riêng, rộn ràng, uyển chuyển mà trầm hùng, uy nghiêm... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Nhã nhạc cung đình Huế vẫn duy tôn được những giá trị đáng kể: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN

Ngày 25/11/2005 "Văn hoá cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên – Việt Nam" được UNESCO trân trọng công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể của thế giới. Cồng chiêng là loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, ra đời và gắn liền với đời sống cộng đồng của các dân tộc. Theo các tài liệu nghiên cứu, cồng chiêng ra đời từ rất lâu, có thể song hành với nền văn hoá Đông Sơn cách nay khoảng 3000 năm. Hầu hết các dân tộc miền Cao Nguyên đều sử dụng hai loại nhạc cụ truyền thống này vào các dịp lễ hội, đón năm mới, mừng nhà mới, cầu vụ mùa... của làng bản. Cồng chiêng đều có hình tròn, cái có núm gọi là cồng (kuồng), cái không có núm gọi là chiêng (ching, cing), đường kính từ khoảng 20 – 65 cm. Mỗi bộ chiêng gồm 6 chiếc từ lớn đến nhỏ có tên gọi là Vàng, Rđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Nê. Trong dàn nhạc các dân tộc Cao Nguyên, mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp thành bè, thành giai điệu. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên giờ đây không còn chỉ bó hẹp trong các bản làng dân tộc mà đã được mở rộng ra thế giới như là một kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

 



Để được hỗ trợ thêm, xin vui lòng liên hệ 08. 1081



 

Bản quyền CTY CP NIÊN GIÁM ĐIỆN THOẠI & TRANG VÀNG 2 - VIỆT NAM
Địa chỉ: 2L-2M Phạm Hữu Chí, P.12, Quận 5, TP. HCM
• Tel: (08) 3855 6666 / Tổng đài (08)1081 • Fax: (08) 3855 5588 • Email: myc@yp.com.vn
Chi nhánh: 28 Đinh Bộ Lĩnh, P. Phú Cường, TX. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương • Tel: (0650) 3855 855 • Fax: (0650) 3855 555
Giấy phép số 221/GP - BC, cấp ngày 9/12/2005. Người chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Kim Tuyết Loan - TGĐ VYP.