CHĂM SÓC THÚ CƯNG
Kỳ 5: Chăm sóc tai cho cún yêu
Phòng Khám Thú Y Chợ Lớn - Cholon Vet Clinic
BSTY. Nguyễn Hoàng Linh
Trên chó, bên cạnh những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm đến tính mạng còn có những bệnh nội khoa khác gây tổn thương âm ĩ, kéo dài, và để lại những di chứng rất khó điều trị. Trong số đó là bệnh về tai.
Đây là bệnh về đường thính giác chiếm tỷ lệ khá cao, do cấu tạo cơ thể học hoặc do điều kiện vệ sinh chăm sóc kém, ký sinh trùng ở tai dẫn đến viêm tai ngoài, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng hơn gây viêm tai giữa và tai trong tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến tiền đình ốc tai, làm mất cân bằng hệ thống dịch não tuỷ và biến chứng là viêm não tuỷ. Những biến chứng này làm cho việc điều trị luôn trở nên khó khăn và kéo dài.
Bình thường tuyến ráy tai liên tục tiết ra và bao phủ lớp da ngoài cùng, sự tiết ra quá độ của tuyến ráy tai kết hợp với cấu tạo cơ thể học đặc thù trên một số giống như xoang tai ngoài hẹp nhiều lông nhiều nếp gấp, hoặc tai cụp trên các giống Cocker, Terrier làm giảm sự thông thoáng, dẫn đến gia tăng độ ẩm ống tai ngoài. Đây là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật tồn tại và phát triển ( nấm mốc, nấm men, vi khuẩn ) và là môi trường sống cho ký sinh trùng hiện diện và gây kích ứng ngứa và tổn thương xoang tai ngoài (Sarcotex, Demodex, Ear mite).
Rận tai (Ear Mite)
Nguồn: wikipedia
Sự chăm sóc không đúng cách của chủ cũng là một trong những nguyên nhân có tầm quan trọng như nước vào trong xoang tai ngoài khi tắm, không quan tâm đến vệ sinh tai sau khi tắm ,sử dụng quá đà những sản phẩm vệ sinh tai dạng nước hoặc để dị vật lọt vào ống tai
Khi thấy những dấu hiệu như thú lắc đầu, chà sát, ngứa ngáy, trường hợp tai bị trầy da chảy máu, đầu lắc quá mức dẫn đến tụ máu tai ngoài, thì hãy nghĩ ngay đó là những dấu hiệu bất ổn ở tai, bạn nên mang thú cưng đến ngay Bác Sỹ Thú Y để được khám và tư vấn.
Việc chẩn đoán bệnh viêm tai tại các phòng khám thú y đòi hỏi phải có những thiết bị chuyên dùng như đèn soi tai, ống soi tai hoặc ống nội soi tai, kính hiển vi, môi trường nuôi cấy và những dụng cụ chuyên biệt khác.
Việc điều trị bệnh về tai cần có thời gian, dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng và phi lâm sàng để có hướng điều trị tốt nhất. Để điều trị có kết quả tốt chủ nuôi phải kiên nhẫn và hợp tác tốt với Bác Sỹ trong việc chăm sóc vệ sinh tai, bôi thuốc hoặc uống thuốc theo đúng chỉ định trong một thời gian nhất định.